Bất động sản 24h

Kiến nghị chưa thay đổi Thông tư 36

29/02/2016

Một năm kể từ thời điểm bắt đầu triển khai (từ 1/2/2015), Thông tư 36/2014/TT-NHNN được đánh giá ít nhiều giúp thị trường BĐS phục hồi, tăng trưởng mạnh trong năm vừa qua. Chỉ mới đây, khi cơ quan ban hành Thông tư bất ngờ dự thảo sửa đổi Thông tư này với những nội dung “sát sườn” tới hoạt động phát triển, quản lý địa ốc, hàng loạt ý kiến trái chiều đã xuất hiện.

Mới nhất, Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) đã kiến nghị trực tiếp tới Thống đốc NHNN về các điều chỉnh nêu trong Dự thảo sửa đổi thông tư 36. Đáng chú ý, VNREA tỏ quan điểm lo lắng về ảnh hưởng xấu của Thông tư tới thị trường và nền kinh tế trong trường hợp được sửa đổi theo Dự thảo.

Dự kiến thay đổi

Được biết, Thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 “quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”, có hiệu lực từ 1/2/2015.

Khoản 14 Điều 1 dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 36, NHNN sẽ sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 17 theo hướng giảm việc sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn.

Cụ thể, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa: Ngân hàng thương mại là 40% (Thông tư 36 là 60%); chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 40% (Thông tư 36: 60%); tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 80% (Thông tư 36: 200%); ngân hàng hợp tác xã là 40% (Thông tư 36 là 60%).

Bên cạnh đó, Khoản 17 Điều 1, Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 21 của Thông tư 36 theo hướng như sau: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính) phải duy trì tỷ lệ tối đa dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi là: Ngân hàng thương mại nhà nước: 90%; Ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ: 90%; Ngân hàng thương mại: 80%; chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 90%; Ngân hàng hợp tác xã: 80%.

Đáng chú ý, Khoản 30 (A6) phần II Phụ lục 2 kèm theo dự thảo Thông tư đã xếp “Các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản” vào “Nhóm tài sản có hệ số rủi ro 250%”.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tín hiệu này (trong dự thảo) đánh thẳng vào thị trường địa ốc cũng như toàn hệ thống nhà băng nhằm mục tiêu kiểm soát rủi ro cho vay với BĐS.

Sửa Thông tư 36 thời điểm này sẽ làm giảm lòng tin vào sự ổn định của chính sách vĩ mô

Lập luận của VNREA

Nêu trong văn bản gửi Thống đốc NHNN, VNREA đánh giá, nếu điều chỉnh thông tư 36 theo hướng như dự thảo với các nội dung trên (giảm mạnh trần sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn từ 60% hiện nay xuống còn 40% và nâng cao hệ số rủi ro của các khoản phải đòi về BĐS từ 150% lên 250%), chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực tới thị trường BĐS.

Hơn thế, sẽ là bước đi ảnh hưởng xấu đến các nỗ lực và các thành quả đã được Chính phủ, trong đó có công sức của NHNN, Bộ Xây dựng và cộng đồng DN BĐS tạo dựng trong tiến trình phục hồi thị trường BĐS.

Kiến nghị chưa thay đổi điều chỉnh thông tư 36, VNREA đưa ra một số luận điểm sau:

Thứ nhất, thị trường BĐS đang phát triển theo xu hướng tốt, bền vững và đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của nền kinh tế, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Điều này được thể hiện qua hàng loạt yếu tố như giao dịch BĐS trong năm tăng đều đặn, người mua nhà chủ yếu sử dụng để ở, tồn kho giảm đáng kể, nợ xấu giảm xuống mức kỳ vọng… Việc giữ đà phát triển của thị trường BĐS một cách ổn định và bền vững có tác động hỗ trợ tích cực đến thực hiện các mục tiêu kinh tế- xã hội khác.

Tiếp đến, thị trường BĐS giai đoạn hiện nay đang được quản lý khá hiệu quả do rút kinh nghiệm từ các bài học trong quá khứ. Minh chứng: kiểm soát năng lực DN tốt hơn (nâng cao vốn pháp định của DN BĐS lên 20 tỷ đồng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS); thực hiện bảo lãnh của chủ đầu tư với BĐS hình thành trong tương lai; “tiền kiểm” do Sở Xây dựng địa phương thực hiện trước khi sản phẩm được bán…

Thứ ba, tổng dư nợ tín dụng BĐS đang ở mức hợp lý: khoảng dưới 10% trên tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng (thông thường cần áp dụng các biện pháp là khoảng 15%). Kèm theo đó là nhu cầu về nhà ở tại các đô thị lớn và các đô thị tại nông thôn còn rất cao.

VNREA phân tích, kênh vốn chủ yếu cho thị trường BĐS hiện là tín dụng Ngân hàng. Khi hệ thống chính sách để phát triển các quỹ đầu tư BĐS còn chưa hiệu quả, mọi động thái của Ngân hàng đối với tín dụng cho BĐS sẽ mang tính dẫn hướng quan trọng cho toàn thị trường.

“Giai đoạn trước đây, chúng ta đã có một số bài học về điều chỉnh chính sách tín dụng đối với thị trường BĐS gây tác động tiêu cực với nền kinh tế. Việc điều chỉnh này sẽ làm các DN, nhà đầu tư trong, ngoài nước và của người dân giảm lòng tin vào sự ổn định của chính sách vĩ mô đối với thị trường ở nước ta. Điều này sẽ làm tăng lại lượng hàng tồn kho, tăng dự án dở dang, tạo thêm khó khăn cho các DN BĐS, khó khăn cho các dự án đang có cơ hội phục hồi và đặc biệt giảm sức mua chính đáng của nhiều người dân…” – VNREA nêu rõ.

Batdongsan24h.com.vn

BÀI VIẾT KHÁC