Bất động sản 24h

Cần làm rõ nguồn tiền của 189 người Việt trong hồ sơ Panama

10/05/2016

Theo ý kiến của các chuyên gia, việc 189 người Việt có tên trong hồ sơ Panama chưa thể nói lên điều gì, tuy nhiên các cơ quan chức năng cần phải làm rõ vấn đề này. Bởi khi đã nằm trong danh sách được công bố công khai, dư luận sẽ đòi hỏi phải làm cho rõ ràng, minh bạch.

 

Việc có tên trong “Tài liệu Panama” không có nghĩa là cá nhân hoặc tổ chức nào đó đã vi phạm pháp luật hoặc có hành vi sai trái

Chia sẻ về danh sách khá dài các tổ chức, cá nhân Việt Nam trong kho dữ liệu Panama vừa công bố sáng nay, TS Cao Sĩ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, việc có tên trong “Tài liệu Panama” không có nghĩa là cá nhân hoặc tổ chức nào đó đã vi phạm pháp luật hoặc có hành vi sai trái. Tuy nhiên đây có thể coi là một kênh thông tin để các bên liên quan tìm hiểu làm rõ.

Theo ông Kiêm, Chính phủ, Bộ Công an, các cơ quan tư pháp, thậm chí cả các ngân hàng cũng phải vào cuộc, đối chiếu luật pháp trong nước, quốc tế để làm rõ vụ việc. Cơ quan chức năng cũng cần triệu tập những người có liên quan trực tiếp đến vụ việc để xác minh thông tin. Sở dĩ ngân hàng phải vào cuộc vì họ có liên quan tới phần tài khoản, các khoản thanh toán quốc tế, tài sản nhà nước… Ngân hàng có nhiệm vụ minh bạch tất cả các khoản thanh toán của họ, nhất là các khoản thanh toán quốc tế.

 Cùng quan điểm này, ông Vũ Viết Ngoạn – Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia khẳng định, các cơ quan chức năng ở Việt Nam chắc chắn phải vào cuộc, bởi đây cũng là việc các nước khác đều làm.

Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia phân tích thêm, các cơ quan chức năng cần làm rõ nguồn tiền ở đâu, phương thức, cách thức sử dụng như thế nào. Nếu họ chuyển tiền ra nước ngoài hợp pháp hoặc có hoạt động đầu tư, kinh doanh, mở công ty theo tài khoản đó thì đó là chuyện bình thường. Hoặc nếu họ đầu tư ra nước ngoài, phát sinh lợi nhuận, nhưng đã nộp thuế đầy đủ thì không vấn đề gì cả.

Về hướng xử lý với các trường hợp sai phạm, ông Ngoạn cho rằng nếu liên quan tới nguồn thu từ khoản đầu tư thì có thể liên quan tới công ước quốc tế, tức là phải tham chiếu với luật quốc tế nữa, còn không thì cứ áp dụng theo luật Việt Nam mà xử lý.

Ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết căn cứ vào diễn biến thông tin, cơ quan chức năng sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xin chỉ đạo cụ thể.

“Chúng tôi sẽ cập nhật và báo cáo. Nếu có chỉ đạo thì khi làm sẽ có sự hợp tác quốc tế, chúng ta có đủ năng lực để làm căn cứ vào quy định pháp luật” - ông Đạt nói.

Theo nguồn Thoibaoskinhdoanh

Batdongsan24h.com.vn

BÀI VIẾT KHÁC